Thằng A ở quê tao học như thế rồi cũng đi làm sếp công ty XYZ đó thôi, chứ thằng B học mãi cũng làm mỗi trưởng phòng quèn thôi à!Mỗi lần tôi về quê, tôi sẽ nghe đâu đó có vài người ngồi tụm năm tụm bảy kể về cuộc đời họ, thậm chí về những điều chẳng liên quan gì đến cuộc sống của họ cũng được lôi vào bàn tán. Đôi lúc những câu chuyện ấy vô thưởng vô phạt đến nực cười song đôi lúc lại có những câu chuyện mà tôi vẫn phải “vểnh” tai lên để hóng hớt..Chẳng hạn như một câu chuyện mà có lẽ tôi hay bạn cũng chẳng lạ gì khi hễ cứ nhắc tới vấn đề học hành. Ngoài những pha “flexing” thành tích học tập “khủng” của con cái họ (mà tôi chẳng quan tâm mấy) cũng như vài lời hỏi han cộng kèm mấy lời khen nghe khách sáo cho qua chuyện vô cùng (âu cũng do sự đố kị, chẳng ai mong muốn con mình lại kém hơn con người khác đâu mà khen thật lòng nhỉ?), thì đâu đó lại xuất hiện một fact truyền miệng buồn cười như thế này:
“Học cho lắm vào sau đi làm thuê cho tụi “học dốt” như ABC XYZ”Cũng… đúng thậtVà từ bao giờ, những suy nghĩ ấu trĩ lại hình thành nên một quan điểm trọn vẹn, tròn đầy như vậy. Nó hội tụ đủ yếu tố để trở thành một fact (theo người ta nghĩ):
– Điều này trên lí thuyết được biện giải là đúng (theo người ta lí giải).
– Điều này trên thực tế đã chứng minh là nó đúng (theo người ta thấy).Chính nó tạo ra cho con người ta một cảm giác… sợ việc học một cách kì lạ.
Rằng nó chỉ là một hoạt động bào mòn chất xám, rằng việc học bản chất của nó vô giá trị, tốn thời không phục vụ một mục đích nào cụ thể ngoài trở thành “một thằng làm thuê” cho những kẻ khác.Cơ mà thực tế để mà nói, xã hội nó không như những gì mấy người kia tự huyễn và tạo ra trong các cuộc hội thoại vô thưởng vô phạt kia. Xã hội có thể hình dung như một tập hợp hỗn độn một đống người xếp chồng lên nhau, chẳng có một thể thống gì xác định chính xác như dãy nhị nguyên bit chỉ có số 0 và 1, “đúng” và “sai” ngoài việc gọi nó là “xã hội”.
Như một hệ trục toạ độ nằm ở trong không gian ba chiều với vô số những toạ độ điểm khác nhau tạo thành những đường thẳng khác nhau vậy. Có người tốt, nhưng cũng có những người xấu. Trong người xấu cũng có người xấu này, người xấu kia, người tốt this người tốt that. Có người xấu in tiền giả ban ngày nhưng lại đi làm từ thiện ban đêm song cũng có người tốt ban ngày nhưng ban đêm lại đi vứt rác bừa bãi nơi công cộng chẳng hạn. Chẳng có một cá nhân nào lại “thuần” tốt hay thuần xấu cả. Nên việc nhìn nhận việc “giỏi” hay “dốt” cũng chỉ dừng lại ở một chừng mực tương đối. Có người giỏi việc này song lại tệ ở việc khác đó là một điều hết sức bình thường.
Có những người giỏi ở việc học tập trên trường lớp song với những khía cạnh khác trong đời sống, họ dường như lại kém xa so với những con người được xếp loại “dốt” trong thang đo của hệ thống trường lớp mà họ theo đuổi. Tương tự như việc bắt con cá leo cây thì dĩ nhiên nó sẽ đứng sau con khỉ và ngược lại rồi. Và có những người làm tốt cả leo cây và bơi lội thì họ là con khỉ biết bơi hoặc con cá có tay chân thì cũng chỉ thuộc vào nhóm rất ít.Cơ mà, ta vẫn chưa lí giải được vì sao: “Học nhiều lại đi làm thuê cho tụi học dốt”. Một lí giải thường được truyền miệng đó chính là những người học “giỏi” ở môi trường của họ thường sẽ tốn thêm những năm tháng đèn sách trong khi số còn lại sẽ phải ra ngoài cuộc sống và “trải sự đời”, tích luỹ kinh nghiệm.
Một ví dụ thường xuất hiện trên mạng hay vài quyển sách self-help chính là có hai cậu bạn, một giỏi và một yếu học chung với nhau. Cậu bạn học giỏi đỗ vào trường đại học mà mình mơ ước và dành 4 năm chăm chỉ ở đó để rồi sau khi ra trường với tấm bằng cử nhân xuất sắc, ứng tuyển vào công ty nọ.
Trớ trêu thay người nhận cậu vào làm việc lại chính là anh bạn “học yếu” kia lúc này đã trở thành một giám đốc của công ty đó. Sở dĩ cậu bạn kia có một vị trí cao là do trong 4 năm cậu bạn học giỏi mải mê theo đuổi chuyên ngành thì anh bạn “học yếu” đã bươn chải ngoài đời và leo lên vị trí đó.
Nhưng họ không viết tiếp câu chuyện rằng khi lên vị trí tổng giám đốc thì anh bạn “học yếu” kia vì không có đủ bằng cấp cần thiết nên lại phải chật vật học tại chức còn anh bạn học xuất sắc chuyên ngành (nhấn mạnh là phải xuất sắc, còn học cho có thì nó lại là câu chuyện khác) kia lại được bổ nhiệm vị trí thông qua kĩ năng được rèn giũa bài bản và cẩn thận.
Một nửa sự thật là sự giả dối mà.Suy nghĩ rằng “học” không bằng việc “không học” thực sự là một suy nghĩ ấu trĩ và thoái hoá nghiêm trọng trong tư duy và bản thân chính nó đã sai về mặt logic. Trước hết hãy thử đặt câu hỏi rằng nếu như ai cũng chẳng cần phải học gì thì liệu có được nhận vào một nơi nào hay không?
Bởi lẽ, lúc bạn vào một công ty, doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ hay ở bất cứ lĩnh vực nào, bạn chưa được học thì bạn vẫn sẽ buộc phải học để biết và làm, được training, buộc phải nhìn và bắt chước đồng nghiệp để làm theo những gì được giao, đó chẳng phải là học chứ là gì. Học không phải là tên lửa phóng bạn lên trời nhưng nó là bệ đỡ cho tên lửa của bạn có thể phóng.
Còn nếu không bạn sẽ chỉ là một chiếc tên lửa nằm vất vưởng xung quanh hay chỉ bay lên như một con diều mà chẳng thể bay xa hơn được (nếu được thì cũng khó khăn và cực hiếm, ví dụ như bạn gặp được 1 người rảnh rỗi kéo bạn xuống rồi bỏ bạn vào trong tên lửa và bay lên cùng, không phải không được, mà nó tiệm cận với sự bất khả thi).Và nếu ta cắt nghĩa chính xác của câu “học rồi đi làm thuê cho thằng dốt”, thì ngay cả khi đó thì việc học chính bản thân nó chẳng bao giờ bị dừng lại cả, kể cả khi nào bạn dừng học là bạn dừng tiếp thu, ngừng hết chuyện lĩnh hội và vận dụng kiến thức của bạn chủ động thì thật sự thì chẳng ai làm điều như thế cả, cho dù bạn có dành 24/24h cày game thì bạn vẫn học được cách chơi game chứ bạn không thể nào dừng học hỏi được, bạn vẫn nhận được những thứ mà bạn đã bỏ thời gian, công sức ra (trừ khi bạn chấp nhận đi ngủ đến hết đời thì lúc đó bạn mới ngừng học, kể cả như vậy thì trong giấc mơ có khi bạn lại trở thành chuyên gia trong việc mơ cũng nên).
Việc đề cao “kinh nghiệm” cuộc sống đến từ việc tách “kinh nghiệm” ra độc lập so với việc học đã là một điều nguy hiểm, nhưng cách mà cách họ khiến cho việc trau dồi chuyên môn và định hướng tương lai trở nên vô dụng mới là căn nguyên khởi nguồn khiến cho người ta chẳng thể nào tiến bộ hơn được, thậm chí làm thoái lui cả một nền kinh tế.Những người kế toán có tấm bằng cử nhân, dành 4 năm trời ròng rã để hiểu những điều căn bản về kinh tế vi mô, vĩ mô, nguyên lí kế toán và được tạo điều kiện để học tập trong suốt khoảng thời gian đó sẽ có một nền tảng vững chắc hơn khi làm việc.
Ở mức độ lớn hơn (larger scale), việc đào tạo một nền sản xuất có mức độ giáo dục, đào tạo nền tảng tốt hơn rõ ràng sẽ có nhiều hiệu quả là “vạch lá tìm sâu” ra trong cả nước chỉ có nhóm thiểu số có chuyên môn cao (giống như chọn lọc tự nhiên). Nhu cầu tăng cao song việc đào tạo chỉ dừng lại ở một nhóm nhỏ sẽ kéo theo hệ luỵ là một nền kinh tế chung có chất lượng lao động kém.Nếu ai cũng có cùng suy nghĩ rằng cho con cái đi học chẳng hơn gì với việc ở nhà thì tại sao ai cũng gửi con cái mình vào đại học làm gì cho mất thời gian? Chẳng phải họ nên chọn hướng tối ưu hơn thay vì bỏ ra hàng đống thời gian, mồ hôi nước mắt, tiền bạc của cải hay sao. Đó là vì FOMO, sĩ diện hay do họ biết chắc rằng nếu ném một con người bình thường ra ngoài xã hội thì chắc chắn họ sẽ không thể dễ dàng có chỗ đứng? Dù câu trả lời có là như thế nào thì nếu cạnh tranh bên ngoài thì những cá nhân kém cỏi sẽ tất yếu bị đào thải, chỉ số ít những kẻ xuất chúng sẽ đột nhiên vươn lên.
Hữu xạ tự nhiên hương. Và chẳng ai muốn bị đào thải cả nên một tâm lý chung để giảm rủi ro thất nghiệp xuất hiện đó là họ tự tạo cho mình ưu thế bằng việc bù đắp sự thiếu đi của “tài năng”, những thứ “thiên bẩm” bằng sự giáo dục có hệ thống, chủ đích (những điều đã có hiệu quả và được đầu tư một cách bài bản). Lâu dần nó trở thành một hệ thống rất khó bị thay thế và ngay nay nếu không có một tấm bằng, chứng chỉ thì rất khó để nhà tuyển dụng có thể tin tưởng và giao cho bạn một công việc.
Tấm bằng đại học chứng tỏ bạn đã xuất hiện ở 1 nơi nhất định, dành những năm tháng của mình ra làm một điều cụ thể và hoàn thành nó. Đó là điều họ cần để chứng minh rằng, bạn có đủ niềm tin để họ cậy vào để phó thác công việc.
Còn việc sau đó phụ thuộc vào bạn.Quay lại với vấn đề chính chúng ta đang đề cập, những người “dốt” kia có thực sự dốt hay không? Có thể họ không giỏi toán, lý, hoá, sinh, sử, địa do những lí do khách quan nào đó. Song khi trong họ đã có tư duy thì đặt ở nơi nào họ cũng có thể sống được cả, thậm chí thành công là đằng khác. Khi đặt ở một thang đo nhất định, có thể một người chỉ được 1 điểm nhưng ở một thang đo khác họ lại được 10 điểm thì cũng là một chuyện bình thường. Đó là lí do vì sao chúng ta có hàng tá những chuyên ngành để học và có những nhánh nhỏ các chuyên ngành là hàng tá những vấn đề xã hội cần phải được giải quyết.
Điều này quan trọng nhất nằm ở việc lựa chọn của mỗi người phù hợp với khả năng bản thân và nhu cầu xã hội.
Vậy còn những người vừa giỏi và thành công họ đi đâu hết rồi? Những người này chiếm đa số trong quỹ những người giỏi, hãy thử tìm kiếm một ông chủ không có một tấm bằng đại học và so sánh với tương quan số lượng những CEO có bằng đại học hoặc đã từng học ở những trường đại học danh giá.
Những người theo họ quan niệm rằng “dốt nhưng thành công” chỉ là phần thiểu số, chiếm rất ít trong số đó, có thể do tận dụng thời cơ, nhạy bén, song chẳng ai trong chúng ta có thể dễ dàng lột được vào nhóm thiểu số này vì nó yêu cầu rất cao về những phẩm chất tự có. Ngay từ “thiểu số” cũng đã thể hiện được tính chất của nhóm này rồi! Ngoài ra thì bạn sẽ chẳng mong cho người bác sĩ trên bàn mổ ruột thừa của bạn “học ít” hay người kỹ sư thiết kế nhà của bạn “bỏ học” để tự mày mò tìm kiếm đâu. Đồng ý là tự học là điều tốt song việc học những điều căn bản ở các trường đại học đã được tối ưu hoá theo lộ trình và được tinh chỉnh sao cho phù hợp với thực tiễn để có thể sau này làm nền móng áp dụng vào công việc, còn không thì chí ít giúp người học có được kiến thức cơ bản và phương pháp “tự học”.
Sẽ chẳng có vị giáo sư nào không học mà cũng được phong hàm giáo sư cả và những người bình thường không học sẽ dừng lại ở mức độ “chuyên viên”. Và nhắc lại lần nữa, những ngôi sao sáng thì họ đặt ở đâu cũng tự sáng được, bạn nếu không tự tin mình nằm trong tốp những ngôi sao đó thì tôi hi vọng bạn sẽ không ảo tưởng.Kết lại, quan niệm ấu trĩ, đừng làm theo, hỏng hết cả tương lai, bỏ học cũng được, đừng dừng học hỏi và cố gắng.