Việc chọn ngày tốt, cách thức thực hiện lau dọn bàn thờ và tỉa chân hương sao cho đúng cách được nhiều người tìm hiểu, vì theo dân gian, như vậy được gia tiên, thần linh độ trì năm mới làm ăn tấn tới.
Lau dọn bàn thờ cuối năm là việc quan trọng và linh thiêng, không phải ai cũng tùy tiện thực hiện được, điều quan trọng là làm các bước tuần tự như sau và nhớ phải thành tâm.
Lau dọn bàn thờ cuối năm, gia đình nào cũng quan tâm tiến hành để đón năm mới (Ảnh minh họa: ITN).
Nên lau dọn bàn thờ cuối năm vào ngày, giờ nào?
Theo dân gian, việc dọn bát hương thường tiến hành vào sáng 23 tháng Chạp hàng năm. Trước khi tiến hành, gia chủ sẽ thắp hương xin phép. Tất cả chân hương cả một năm được rút hết chỉ để lại tỏng mỗi bát hương 3 chân nhang.
Sau đó toàn bộ chân nhang được rút tỉa sẽ được hóa cùng với tiền vàng, hoặc hóa riêng rồi đem tro đó rải ra sông.
Tuy nhiên, ngày nay ai cũng bận rộn, không thể nghỉ việc để ở nhà dọn dẹp đúng vào ngày 23 âm lịch. Vì thế, thời gian linh động hơn, gia chủ có thể tiến hành lau dọn bàn thờ tổ tiên vào một ngày khác phù hợp hơn, miễn sao đảm bảo tấm lòng thành là được.
Tuy nhiên, năm 2024, có 2 ngày đẹp để bạn có thể lựa chọn nếu muốn, đó là:
Ngày 23 tháng Chạp: Lễ cúng tiễn ông Công ông Táo chầu trời bắt đầu chuỗi nghi lễ thờ cúng cuối năm Âm lịch nên cũng phù hợp để các gia đình lau dọn bàn thờ. Thường công việc này được thực hiện vào buổi sáng 23 tháng Chạp, nhằm chuẩn bị cho lễ cúng Táo quân.
Ngày 25 tháng Chạp: Ngày này được coi là ngày đại cát, thích hợp cho các công việc tâm linh như bao sái bàn thờ và tỉa chân nhang.
Trước lễ cúng Tất niên: Rất nhiều gia đình vì quá bận nên không có thời gian để làm công việc lau dọn bàn thờ kịp cúng tiễn ông Công ông Táo. Trong trường hợp này, bạn có thể chọn làm trong các ngày sau đó. Quan trọng là bạn dành cho công việc này sự trang trọng, cẩn thận, chu đáo, tóm lại là thành tâm.
Bạn có thể lau dọn bàn thờ vào các ngày sau 23 tháng Chạp, miễn là khi tiến hành cúng Tất niên thì bàn thờ đã được lau dọn sạch sẽ, bày biện đầy đủ.
Các khung giờ tốt nhất để tiến hành lau dọn bàn thờ trong những ngày này thường là: Giờ Thìn (7h-9h), giờ Ngọ (11h-13h), giờ Thân (15h-17h).
Lưu ý: Theo quan niệm dân gian, gia chủ nên tránh thực hiện nghi thức vào lúc 12h hoặc sau 18h để đảm bảo sự linh thiêng.
Khi thực hiện lau dọn nên cẩn thận và chú ý đến từng chi tiết. Đây cũng là cách để thể hiện lòng thành kính với tổ tiên (Ảnh minh họa: ITN).
Cách thức và trình tự sái tịnh bàn thờ đúng chuẩn
Chọn người tiến hành lau dọn: Ai cũng có thể bao sái ban thờ. Nhưng nếu trong nhà chọn được người chỉn chu, có tâm trong công việc thờ cúng thì rất tốt.
Thỉnh lời xin phép trước khi lau dọn: Trước khi sái tịnh bàn thờ, người xưa thường tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên, sau đó thắp một nén hương thông báo cho tổ tiên và thần linh biết ngày hôm nay sẽ thu dọn bàn thờ, mời tổ tiên và thần linh tạm lánh sang một bên để con cháu thực hiện công việc.
Sau đó, đợi hương tàn hãy bắt đầu công việc.
Cách tỉa chân hương cuối năm
Ông cha ta quan niệm, bàn thờ là nơi cư ngụ của hương hồn tiên tổ và nơi ngự tới của các vị thần, cần duy trì sự sạch sẽ, gọn gàng, tôn nghiêm trước những nghi lễ đặc biệt.
Cuối tháng Chạp và đầu tháng Giêng có nhiều lễ cúng quan trọng, vì thế không gian thờ cần được lau dọn cẩn thận.
Sau một năm, chân hương cắm trong lư, bát hương cũng đã đầy, lau dọn bàn thờ cuối năm cũng bao gồm việc rút tỉa chân hương để chào đón năm mới với nhiều phát đạt, yên vui nhờ phúc ẩm tổ tiên và sự hộ trì của thần, Phật. Vì vậy việc rút tỉa chân hương cũng cần được làm một cách cẩn thận và đầy đủ sự tôn kính.
Những lưu ý quan trọng khi lau dọn bàn thờ
-Khi dọn dẹp, người thực hiện cần có trang phục chỉnh tề và lòng thành kính.
-Hạn chế tối đa việc xê dịch bát hương, vì trong tâm linh người Việt, bát hương rất linh thiêng, là nơi hội tụ tâm thức, sợi dây vô hình liên kết cõi trần với cõi âm. Người ta cho rằng việc di chuyển bát hương tùy tiện có thể làm đứt sợi dây liên kết ấy, khiến lòng thành không được chứng giám, dẫn đến điều không hay.
Để giữ bát hương cố định trong quá trình lau dọn bàn thờ cuối năm, nên dùng một tay giữ, tay còn lại dùng khăn lau. Trường hợp vẫn phải xê dịch thì nên khấn xin, sau đó đưa bát hương về lại vị trí ban đầu. Đối với các bức tượng cũng như vậy.
-Nên dùng khăn, vải mới, chổi chuyên dụng để thể hiện sự trân trọng, thành kính đối với thần linh, tổ tiên khi lau dọn bàn thờ cuối năm. Không sử dụng khăn, vải, chổi đã qua sử dụng hoặc dùng cho các việc dọn dẹp hằng ngày, không đảm bảo sự tôn nghiêm cho nơi thờ cúng.
-Dùng nước sạch, nước thảo dược để lau, có thể dùng rượu trắng với gừng giã nhuyễn, hoặc nước đun từ 5 loại thảo dược (quế, hồi, gỗ vang, đinh hương, bạch đàn).
– Sắp xếp lại bàn thờ: Sắp xếp lại bát hương, bài vị và đồ thờ cúng một cách ngay ngắn. Nếu cần thay trái cây, hãy chọn loại tươi mới, thơm ngọt để tăng thêm sinh khí cho bàn thờ.
-Sau khi lau dọn bàn thờ và tỉa chân nhang xong xuôi, thắp hương lên 3 bát hương và vái lạy lần nữa.
-Phần chân nhang, bạn đem đốt thành tro, đem tưới cây hoặc tốt nhất là đem thả ra sông, không thả nơi ao tù nước đọng để một năm mới mọi thứ được suôn sẻ, may mắn, hanh thông, theo quan niệm của dân gian.
Như vậy, nguyên tắc cần nhớ khi lau dọn bàn thờ cuối năm: Không làm đổ vỡ vật dụng trên bàn thờ; Tránh xê dịch bát hương; Tránh tỉa hết chân hương, dốc hết tro trong bát hương ra ngoài; Nên dùng khăn, vải mới, chổi chuyên dụng khi lau dọn bàn thờ; Nên dùng nước sạch, nước thảo dược để lau dọn; Vật dụng cần thiết.