Giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao đã nhiều năm, nhưng khi nhắc lại kí ức về thời thi đấu sung sức nhất cách đây hơn 20 năm, “Hoa khôi bóng chuyền” Phạm Thị Kim Huệ vẫn hào hứng, nhiệt huyết như thể mọi chuyện chỉ mới vừa xảy ra ngày hôm qua.
Cựu tuyển thủ Phạm Thị Kim Huệ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Tôi đã phải cố gắng gấp đôi chỉ vì được khen xinh đẹp”
Chị có biết, những cụm từ như “Hoa khôi bóng chuyền Kim Huệ”, “ Hôn nhân của Phạm Thị Kim Huệ”… từng là từ khóa được tìm kiếm nhiều trên Google?
(Cười), tôi không để tâm đến những điều đó lắm. Tôi cũng không muốn được gọi là hoa khôi. Chỉ vì một lần được trao giải Miss volleyball (Hoa khôi bóng chuyền), mà tôi luôn được gọi với danh xưng hoa khôi.
Tôi nhớ có lần, khi vừa bắt đầu bước vào thi đấu bóng chuyền ở giải trẻ, tôi nghe được câu bình luận về mình với đại ý, “mặt cũng xinh đấy, cũng cao đấy, nhưng đánh bóng chẳng ra gì”.
Chính vì câu nói này, tôi đã phải cố gắng quá nhiều, phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để xóa đi định kiến về những vận động viên có ngoại hình.
Tôi trưởng thành từ điều kiện tập luyện vô cùng khắc nghiệt của đội bóng chuyền nữ Bộ Tư lệnh thông tin. Tôi không bao giờ để ý đến ngoại hình của mình, tất cả những gì tôi mong muốn chỉ là được thừa nhận về thực lực.
Suốt sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của mình, tôi đã cố gắng không ngừng nghỉ để trở thành vận động viên được ghi nhận về chuyên môn, thay vì được chú ý chỉ ở vẻ bề ngoài.
Vậy ra, xinh đẹp là một áp lực với Phạm Thị Kim Huệ?
Tôi không nghĩ mình xinh đẹp. Từ trước tới giờ tôi luôn cho rằng, chỉ có năng lực ở thể thao mới là giá trị thật của tôi.
Ở thời điểm còn thi đấu sung sức ở câu lạc bộ bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh thông tin và tuyển quốc gia, tôi nhận được nhiều lời mời tham gia showbiz. Có người mời tôi làm người mẫu, mời tôi thi hoa hậu… nhưng tôi luôn từ chối.
Tôi có tham gia một vài đêm trình diễn thời trang, nhưng đó chỉ là trải nghiệm, tôi muốn xem thế giới của showbiz thế nào, chứ không bao giờ có ý định tham gia, không bao giờ đánh đổi.
Tôi tự thấy, mình chỉ có giá trị thực sự khi tôi là Kim Huệ của bóng chuyền.
Phạm Thị Kim Huệ cho biết, vì được khen xinh đẹp, cô đã phải cố gắng gấp đôi, gấp ba để được thừa nhận về thực lực. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thế nhưng, xinh đẹp vẫn luôn là một lợi thế với phụ nữ. Thời đỉnh cao, chị và những đồng đội của mình như Phạm Thị Yến, Nguyễn Thị Ngọc Hoa… với nhan sắc, với danh tiếng của thế hệ vàng bóng chuyền nữ Việt Nam – nếu biết làm hình ảnh, có lẽ sự nghiệp cũng như sức ảnh hưởng, mức thu nhập đã khác xa. Chị có tiếc khi thời chị ở đỉnh cao, mạng xã hội và truyền thông lại chưa bùng nổ như bây giờ?
Đúng là thời của chúng tôi, mạng xã hội, truyền thông chưa phát triển mạnh như bây giờ. Chúng tôi sẽ không được lan tỏa hình ảnh, sức ảnh hưởng, không có nhiều quảng cáo, thu hút doanh nghiệp tài trợ… như bây giờ.
Nhưng bất kì điều gì cũng có 2 mặt. Chính nhờ việc mạng xã hội không bùng nổ, việc “làm hình ảnh” không chi phối, tất cả chúng tôi đã tập trung tất cả tâm sức, sự quyết tâm cho bóng chuyền.
Bây giờ, khi mạng xã hội phát triển, nhiều vận động viên bị chi phối về chuyện xây dựng hình ảnh, việc sản xuất kênh riêng trên nền tảng xã hội để kiếm thêm… Vô tình đã ảnh hưởng đến sự tập trung của họ cho chuyên môn chính là thi đấu, tập luyện.
Thời chúng tôi, tất cả đều chỉ dồn cho tập luyện, thi đấu. Chúng tôi nỗ lực phát huy hết sức ở câu lạc bộ để nuôi khát vọng được lên tuyển quốc gia, để được đi thi đấu ở các giải lớn, để được đến dự SEA games, đoạt huy chương về cho tổ quốc.
Đó là tất cả khát vọng của thế hệ vận động viên như tôi và đồng đội.
Bất kì vận động viên thi đấu đỉnh cao nào rồi cũng phải đối diện với chuyện… hết thời. Đi qua thời kì rực rỡ nhất, nhiều vận động viên phải vất vả mưu sinh, lo kiếm sống. Phạm Thị Kim Huệ dường như cũng không thể là ngoại lệ khi từng xoay xở kinh doanh nhiều lĩnh vực, từ bán hàng online, mở tiệm xăm đến nhà hàng?
Tôi thuộc tuýp phụ nữ độc lập và chủ động. Tôi ý thức rất sớm về sự nghiệt ngã của cuộc đời một vận động viên thi đấu đỉnh cao. Bởi vậy, ngay từ khi còn đang thi đấu sung sức, tôi đã có sự chuẩn bị cho mình. Tôi đi học đại học để có bằng, sau đó chuyển sang công tác của một huấn luyện viên.
Tôi nhìn vào tấm gương của nhiều anh chị đi trước, họ chỉ mải mê tập trung thi đấu mà không lo học, đến khi hết thời, không có bằng cấp, họ buộc phải chuyển hướng công việc, không được chuyển sang công tác huấn luyện.
Vận động viên dành hết thanh xuân, tuổi trẻ cho thi đấu, khi giã từ sự nghiệp, nhiều người sốc và vất vả tìm ngã rẽ mới.
Việc mở rộng kinh doanh nhiều lĩnh vực cũng là cách tôi chuẩn bị tương lai cho mình. Ngoài câu nói về sắc đẹp, tôi còn từng ám ảnh với lời nhận xét rằng “giới vận động viên thể thao chỉ được chân tay to, não ngắn”.
Tôi lại nỗ lực đi học, tham gia kinh doanh, cố gắng không ngừng nghỉ để thay đổi định kiến về vận động viên thể thao. Hiện, tôi đang đi học Thạc sĩ về Quản lý Kinh tế tại Đại học Quốc gia. Sau này, tôi cũng muốn đầu tư kinh doanh bài bản hơn.
Hình ảnh Kim Huệ đời thường. Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Tôi ly hôn và không hối hận”
Trò chuyện sẽ thấy, Kim Huệ mạnh mẽ, thích độc lập. Chị có khi nào nghĩ, việc mình quá mạnh mẽ, độc lập sẽ khiến đàn ông thấy ngại khi ở bên?
(Cười), đúng là tôi rất mạnh mẽ, chủ động, độc lập, không thích dựa dẫm vào ai, nhất là chuyện tài chính. Mọi người từng nói về việc sao tôi không cặp với đại gia để có cuộc sống sung sướng, giàu sang. Nhưng đó không phải con người tôi.
Sau khi ly hôn, tôi tự xoay xở kiếm sống. Tôi mua nhà trả góp, tự kiếm tiền mua xe, lo cho con ăn học. Đến điện, nước trong nhà mình, tôi cũng tự sửa.
Phụ nữ có lẽ không nên ôm đồm quá, không nên mạnh mẽ quá, để đàn ông thấy rằng họ cần phải ở bên để làm chỗ dựa.
Nhưng tôi chọn cách sống là chính mình. Ở tuổi này, tôi sẽ đợi một người đàn ông thật xứng đáng. Tôi không còn nông nổi như khi còn trẻ, yêu đập đầu vào tường, chỉ cần yêu là cưới. Tôi đã nhận ra, với hôn nhân, chỉ yêu là không đủ. Tôi cần một người ở bên cạnh biết cảm thông, chia sẻ với mình.
Tôi tin rằng, sẽ có người đàn ông tuyệt vời như thế, rằng ngay cả khi họ ở bên một phụ nữ mạnh mẽ, độc lập, họ vẫn sẽ giành lấy những việc cần làm.
Phụ nữ mạnh mẽ đến mấy cũng cần chỗ dựa, cũng cần một người đàn ông biết yêu thương, chia sẻ ở bên. Tôi cũng vậy thôi.
Sau khi ly hôn, chị có mất niềm tin vào hôn nhân?
Tôi kết hôn vì tình yêu và nghĩ, hôn nhân chỉ cần tình yêu là đủ. Nhưng hóa ra không phải như vậy. Tôi từng mất niềm tin khi hôn nhân đổ vỡ dù khi bước ra khỏi hôn nhân, tôi không hối hận gì cả.
Đi qua sóng gió, tôi nhìn nhận mọi điều đơn giản hơn. Tôi và chồng cũ vẫn là bạn, anh ấy vẫn là bố của con gái tôi. Với gia đình chồng, tôi vẫn hết lòng.
Tôi sẽ luôn sống để không phải hổ thẹn với con gái, không phải hổ thẹn với lòng mình. Còn hạnh phúc, đôi khi là nhân duyên, tôi sẽ kiên nhẫn đợi một người đàn ông thật xứng đáng.
Hoa khôi bóng chuyền Kim Huệ thời đỉnh cao. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Một người đàn ông như thế nào được xem là xứng đáng với Kim Huệ?
Là người có thể cảm thông, chia sẻ cùng tôi. Chị biết đấy, công việc của chúng tôi đi công tác thường xuyên, có khi kéo dài nhiều tháng. Hôn nhân trước của tôi phải dừng lại một phần vì tôi xa nhà liên tục, điều đó tạo thành thử thách lớn cho người bạn đời của mình.
Ở độ tuổi này, tôi độc lập về kinh tế, tôi cũng chưa từng nghĩ đến việc phải yêu hay cưới một người đàn ông vì tiền. Mục tiêu trong cuộc sống của tôi rất đơn giản. Tất cả những gì tôi mong có được từ người đàn ông chỉ là sự chăm sóc, cảm thông, chia sẻ.
Phải có sự cảm thông, chia sẻ mới giúp mối quan hệ được lâu dài, bền vững.
Chị đã tìm thấy người đàn ông như thế chưa?
(Cười), tôi thích sự đàng hoàng trong mọi mối quan hệ. Tôi không dễ nhận lời đi ăn, ngồi cà phê với bất cứ người đàn ông nào ngỏ lời mời. Khi nhận lời, có nghĩa là tôi có chút ấn tượng và muốn tìm hiểu nghiêm túc.
Tính đến hiện tại, tôi chỉ đang trong quá trình tìm hiểu, để xem người ấy có hợp với mình không, chưa có gì để nói xa hơn được.
Điều quan trọng nhất với tôi bây giờ là bản thân cảm thấy như thế nào. Tôi có thể tự tạo niềm vui cho mình. Sống giản dị, hết mình với bạn bè, gia đình.
Tôi rất thích câu nói, hãy cứ sống cho thật tốt, mọi thứ khác đã có trời xanh an bài.
theo: Lao Động