Nhiều loại thực phẩm khi nẩy mầm sẽ đạt đỉnh về dinh dưỡng nên giúp gia tăng công dụng cực tốt cho sức khỏe
Nhiều loại thực phẩm được ủ cho lên mầm để tăng cường dinh dưỡng. Đó là lý do từ xa xưa chúng ta ăn mầm đỗ (đỗ giá), và bây giờ thì gieo rất nhiều loại rau mầm như mầm củ cải, mầm lúa mì, mầm đậu Hà lan… Chuyên gia Yan Yuanying, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Probel, Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ về góc độ dinh dưỡng rằng một số loại rau có khả năng chống oxy hóa cao nhất ở giai đoạn nảy mầm, có thể làm giảm quá trình oxy hóa tế bào của cơ thể, tránh nguy cơ mắc bệnh, khuyến nghị mọi người có thể bổ sung thêm rau mầm để chống lại các gốc tự do.
Trong giai đoạn nảy mầm, một số dinh dưỡng gia tăng, như vitamin A, polyphenol, sulforaphane và khoáng chất cũng đậm đặc hơn rau trưởng thành.
Đặc biệt một số loại bạn có thể lên mầm ở nhà. Cách ủ lên mầm còn giảm thiểu độc hại tự nhiên trong thực phẩm. Ví như các loại hạt đậu, ngũ cốc theo đặc thù tự nhiên chúng sinh ra sẽ có một số chất kìm chế nảy mầm để bảo vệ hạt, chúng chỉ nảy mầm khi gặp nước ngâm đủ thời gian. Nếu không có các chất này hạt sẽ nẩy mầm ngay sau khi thu hoạch và như thế sẽ không thể giữ giống được. Nhưng bên cạnh công dụng đó thì chất kìm chế nảy mầm này sẽ không tốt cho sức khỏe con người khi ăn. Bởi vậy chúng ta trước khi ăn cần ngâm cho hạt đến ngưỡng nảy mầm để phá hủy chất độc tự nhiên đó, và nếu để cho hạt lên hẳn mầm thì sẽ gia tăng thêm dinh dưỡng. Một số loại thực phẩm bạn hoàn toàn có thể lên mầm tại nhà gồm:
Tỏi
Nhiều người bỏ tỏi nẩy mầm vì sợ chúng không còn thơm, mất dinh dưỡng. Nhưng một số nghiên cứu phát hiện ra rằng hàm lượng chất chống oxy hóa trong tỏi nảy mầm cao hơn so với tỏi tươi và hàm lượng chất này sẽ đạt đến đỉnh điểm vào ngày thứ năm sau khi nảy mầm, vì vậy có tác dụng chống ung thư và chống lão hóa tốt hơn.
Trong những củ tỏi nảy mầm còn có nhiều chất xơ, vitamin A, vitamin C và carotene. Sau khi tỏi mọc mầm, chỉ cần tỏi không bị đổi màu hoặc bị mốc là có thể ăn được.
Giá đỗ
Giá đỗ xanh đã là thực phẩm vô cùng quen thuộc và chúng cũng là loại lên mầm dễ làm nhất hiện nay. Tại nhà bạn có thể lên mầm đỗ xanh, đỗ đen, đỗ tương.
Phổ biến nhất là mầm giá đỗ xanh. Khi lên mầm đỗ xanh tăng hàm lượng vitamin C, nâng cao miễn dịch và tăng cường lưu thông máu, chống oxy hóa. Giá đỗ có tác dụng phục hồi chức năng gan mà nó còn giàu kali, có thể hạ cholesterol, ngăn ngừa huyết áp cao.
Những người hay bị táo bón ăn giá đỗ xanh có thể khắc phục tình trạng này. Giá đỗ còn giúp thanh nhiệt giải độc mát gan. Còn giá đỗ đen là nguồn cung cấp protein tuyệt vời, chứa nhiều loại khoáng chất và vitamin, có thể tăng bài tiết cholesterol và giảm lipid máu hiệu quả. Giá đỗ đen cũng giúp thông huyết, lợi tiểu, tác dụng thanh nhiệt, hạ hỏa, mùa hè nóng bức muốn giải nhiệt có thể dùng một đĩa giá đỗ đen.
Mầm đậu lăng
Đậu lăng là loại đậu có giá trị dinh dưỡng rất cao. Mầm đậu lăng là nguồn cung cấp vitamin C rất tốt cho cơ thể. Khi tự trồng mầm đậu lăng, hãy để chúng ngâm nước tới 10 giờ mỗi ngày trong bốn ngày. Ngoài vitamin C, mầm đậu lăng là nguồn cung cấp thiamine, đồng và sắt và đặc biệt giàu folate và mangan.
Mầm bông cải (súp lơ)
Rau mầm cải xanh được cho là nguyên liệu sản xuất sản phẩm hỗ trợ bệnh nhân ung thư, đó là vì rau mầm bông cải xanh rất giàu sulforaphane, gấp 7 lần so với bông cải xanh trưởng thành.
Khi bạn ăn mầm bông cải chỉ cần khối lượng nhỏ cũng có thể đạt được hàm lượng dinh dưỡng cao. 50g mầm bông cải có gái trị như 1kg bông cải trưởng thành. Đó cũng là lý do vì sao khi ăn rau mầm thì chúng ta không nên ăn quá nhiều.
Tương tự mầm bông cải súp lơ bạn có thể làm mầm cải củ, cải tím, đậu hà lan… Bạn có thể mua hạt giống rau mầm ở nhiều cửa hàng hạt giống rau.
Gạo lứt
Gạo lứt là một loại thực phẩm được nhiều người lựa chọn để tăng thêm chất xơ, giảm tinh bột đường thay cho gạo trắng. Khi gạo lứt nảy mầm, một lượng lớn enzyme được kích hoạt và sản sinh ra nhiều loại enzyme thủy phân khác nhau như amylase, hemicellulase, protease, oxidoreductase bù đắp những khuyết điểm của gạo lứt như khó tiêu, nấu lâu. Do đó nếu gạo lứt đã tốt thì gạo lứt nảy mầm còn tốt hơn. Sau khi nảy mầm gạo lứt sẽ tăng cường lượng tocopherols và tocotrienols hơn, đồng thời có khả năng kháng tinh bột mạnh hơn nên tốt hơn cho bệnh nhân tiểu đường.
Gạo lứt nảy mầm tăng cường chất chống oxy hóa giúp da đẹp hơn, hỗ trợ tránh xơ cứng động mạch, một bệnh của thời đại.
Đậu Hà Lan
Đậu Hà lan sau khi lên mầm sẽ tăng cường lượng tiền tố vitamin A rất cao. Thông thường trái cây và rau củ mà mọi người thường ăn đều có hàm lượng caroten dưới 100µg/100g nhưng hàm lượng caroten trong mầm đậu hà lan có thể đạt tới 2.700µg trên 100g.Rau mầm đậu Hà lan ăn cũng rất ngon có thể xào nấu. Gieo hạt mầm đậu Hà Lan cũng rất dễ dàng và nhanh chóng được thu hoạch trong vòng khoảng 7 ngày.
Hạt lạc (đậu phộng)
Hạt lạc thông thường giàu omega-3. Khi để chúng nảy mầm thì mầm lạc được mệnh danh là “lộc trường sinh” vì chứa nhiều dưỡng chất phong phú, đặc biệt là chất resveratrol gấp nhiều lần so với hạt lạc, cao gấp hàng chục lần hàm lượng resveratrol trong rượu vang.
Resveratrol là chất polyphenol tự nhiên có tác dụng chống oxy hóa mạnh, chống viêm, kháng khuẩn, chống lão hóa, chống khối u và phòng ngừa bệnh tim mạch ở mức độ nhất định. Trong quá trình này mầm thì protein trong hạt lạc còn được thủy phân thành axit amin dễ hấp thu, hàm lượng dầu giảm đi nên giúp cho người ăn hấp thu tốt hơn và hỗ trợ sức khỏe nhiều hơn. Tuy nhiên nếu khi bạn ủ mầm lạc không cẩn thận có thể làm lạc mốc thì tránh ăn vì lạc bị mốc có thể gây hại cho sức khỏe.
Bạn hãy thực hiện lên mầm những loại thực phẩm này tại nhà để tận hưởng nguồn dinh dưỡng tối ưu nhé.