Nho, táo, lê… là những loại trái cây rất hay được nhập từ Trung Quốc. Chúng được bán tràn lan ở các chợ truyền thống lẫn chợ mạng. Nếu không để ý kỹ, chị em rất dễ mua nhầm.
Hồng táo
Vài năm trở lại đây, hồng táo (có chỗ gọi là táo tàu tươi) được nhập vào Việt Nam và được bày bán rất nhiều ở các chợ truyền thống lẫn chợ “mạng”.Đây là loại táo nhỏ, có vỏ màu xanh vàng, thêm những đốm nâu nhìn như bị hỏng nhưng ăn lại rất giòn, ngọt.
Táo đá
Trước đây, loại táo đá này thường được gắn mác táo đá Hà Giang. Tuy nhiên, từ năm 2015, các cơ quan chức năng đã đồng loạt lên tiếng “bóc mẽ” táo đã không phải là táo Việt Nam mà là hàng Trung Quốc. Việt Nam không hề trồng được loại táo này.
Đây là loại táo có vẻ ngoài không bóng bẩy như các loại táo nhập khẩu từ Mỹ, New Zealand… nhưng lại giòn, vị ngọt. Đặc biệt, loại táo này có giá siêu rẻ, chỉ trên dưới 10.000 đồng/kg.
Lựu
Tháng 8 là thời điểm bắt đầu thu hoạch lựu. Trên thị trường Việt Nam có bán rất nhiều loại lựu khác nhau, có loại nhập khẩu từ Thái, Mỹ… Ngoài chợ dân sinh và chợ mạng thường bán lựu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mùa lựu ở Trung Quốc bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài tới tận tháng 12, chính vụ là từ tháng 7-10.
Quả lựu Trung Quốc có kích thước lớn, vỏ ngoài mịn, căng tròn, màu trắng hồng. Khi bổ quả ra thường có hạt đỏ rực, bắt mắt, các hạt đều nhau, mềm, chảy nước.
Trong khi đó, quả lựu của Việt Nam thường nhỏ hơn, da sần sùi hoặc bị nám, vỏ thường có màu xanh và đỏ dần khi chín. Hạt lựu của Việt Nam có màu nhạt hơn, nhiều nước.
Nho
Nho Trung Quốc được nhập về Việt Nam quanh năm với đủ chủng loại từ nho xanh, nho đỏ cho tới nho đen. Những loại nhỏ này đôi khi còn được gắn mác là nho Ninh Thuận.
Nho Ninh Thuận có cả nho xanh, đỏ và hồng. Về loại nho xanh, trái có hình cầu, nhỏ bằng đầu ngón tay, các trái tương đối khít nhau, màu xanh đẹp mắt, thịt chắc và dai (dùng tay ấn sẽ thấy săn chắc), vỏ dày và có hạt. Loại nho này có vị ngọt và hơi chua. Trọng lượng từ 200g-500g/chùm.
Nho đỏ Ninh Thuận có màu tím nhạt, quả nhỏ, tương đối khít nhau, chùm cũng không to, ăn hơi rôn rốt chứ không ngọt sắt như nho Trung Quốc.
Nho hồng Ninh Thuận có hình bầu dục, có màu hồng tươi ở phần cuối của quả và quả nho lớn hơn rất nhiều so với quả nho đỏ, vỏ dày, trọng lượng từ 1,5 đến 1,8kg/chùm.
Lê
Lê Trung Quốc được nhập và bán ở Việt Nam quanh năm. Quả lê tròn đều, bọc trong lưới xốp, vỏ ngoài nhẵn mịn, sáng bóng, có màu xanh hoặc vàng tươi. Loại lê này không có mùi thơm đặc trưng nhưng vị ngọt đậm. Loại lê bị tẩm hóa chất có thể để được 15-20 ngày vẫn bóng đẹp, để tủ lạnh có thể bảo quản tới 3-4 tháng…
Lê Việt Nam chỉ có trong khoảng tháng 8-9. Quả lê thon dài, chắc tay, vỏ ngoài sần sùi, màu vàng đậm, không bóng bẩy, bắt mắt. Lê có vị ngọt, hơi chua, mùi thơm dịu, thịt quả trắng, không bị xốp.
Dâu tây
Dâu tây Trung Quốc có phần lá phủ dài xuống cuống. Dâu có màu đỏ đậm, láng mịn, không có màu trắng đan xen, độ đồng đều cao, không có mùi thơm, khi ăn có cảm giác bở và không có vị chua thanh. Loại dâu này có thể để từ 7 – 10 ngày trong môi trường nhiệt độ 25-32 độ C mà không bị héo hay thối quả…
Trong khi đó, dâu tây Đà Lạt phần lá phủ cuống ngắn; quả thường không đồng đều, có quả to, quả nho. Dâu tây Đà Lạt mềm, không nhẵn mịn; sậm màu ở thân, phần cuống hơi trắng. Phần cuống lá mỏng ngắn, phủ một phần trên trái dâu, màu xanh nhạt. Dâu có mùi thơm đặc trưng, khi ăn mềm dai, có vị chua thanh. Đặc biệt, dâu tây tươi ở Đà Lạt có thời gian bảo quản rất ngắn, sau khi hái khi chỉ để tối đa 2 ngày.
Dưa lưới
Trên thị trường Việt hiện có 2 loại dưa lưới vàng đó là loại quả tròn và loại dài. Loại tròn là dưa lưới được trồng tại Việt Nam. Trong khi đó, loại dưa lưới quả dài hình bầu dục thường được nhập từ Trung Quốc.
Thời điểm chính vụ dưa lưới ở Trung Quốc là tháng 8-10. Loại dưa này có vỏ màu vàng với những đường kẻ trắng đan xen, vắt chéo nhau. Một quả dưa nặng khoảng 3-4kg. Dưa chính vụ có vị ngọt sắt.