Đây là một loại rau ngon và ví như “thuốc quý”, thế nhưng không phải ai cũng biết cách chế biến đơn giản và hấp dẫn.
Mặc dù rau càng cua là món ngon và bổ dưỡng nhưng trước đây người ta chỉ coi như loại cỏ dại và thường chỉ nhổ vứt đi. Đây là loại rau ưa phát triển ở những nơi ẩm như mương rạch, vách tường…
Nhật Bản, Trung Quốc, các nước phương Tây xem loại rau càng cua là cây thuốc quý
Theo y học cổ truyền, rau càng cua có vị mặn, chua, giòn, dai và chứa nhiều chất dinh dưỡng như caroten (tiền vitamin A), sắt, kali, magiê, vitamin C, carotenoid… Trong 100g rau càng cua chứa 92% nước, phosphor 34 mg, kali 277 mg, canxi 224 mg, magiê 62 mg, sắt 3,2 mg, carotenoid 4.166 UI, vitamin C 5,2 mg, cung cấp cho cơ thể 24 calo.
Theo Đông y, loại rau này vị đắng, tính bình, có thể dùng để chế biến nhiều món ăn khác nhau như các loại gỏi, nấu canh, ăn sống, ép nước uống… vừa lành tính vừa tốt cho sức khỏe.
Theo y học hiện đại, với các thành phần có trong rau càng cua có thể ngừa và điều trị các bệnh:
+ Chống viêm, giảm đau nhức: Theo các tài liệu y khoa, ăn rau càng cua sẽ giúp trị các chứng như đau đầu, sốt, ho, cảm lạnh và viêm khớp. Tác dụng này được so sánh tương đương với aspirin trên thực nghiệm.
+ Kháng khuẩn diện rộng: Chất patuloside A, một glycoside xanthone từ càng cua có tác dụng kháng khuẩn rộng trên các chủng S. aureus, B. subtilis, P. aeruginosa và E. coli và kháng nấm T. mentagrophytes.
+ Chống ung thư, chống oxy hóa tế bào: Theo các nghiên cứu y khoa, một số hoạt chất của rau càng cua có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của một số tế bào ung thư và hơn nữa là nó còn có khả năng thu gom và tiêu hủy các gốc tự do có hại cho tế bào cơ thể. Điều này cho thấy có thể xem càng cua là một loại thực phẩm cần bổ sung để giúp phòng và hỗ trợ chống ung thư.
+ Giảm axit uric trong máu: Theo một nghiên cứu trên chuột, dịch chiết của rau càng cua đã làm giảm nồng độ acid uric là 44% trong máu so với 66% của allopurinol. Kết quả này cho thấy ăn rau càng cua có thể giúp phòng ngừa bệnh gout. Nhiều tài liệu còn ghi nhận rau càng cua góp phần làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
+ Làm ức chế thần kinh: Kết quả nghiên cứu từ các nhà khoa học Bangladesh cho thấy rau càng cua có thể chữa được chứng thần kinh kích thích quá độ. Liều lượng tùy thuộc vào tình trạng hưng phấn.
+ Bảo vệ tim mạch: Các khoáng tố vi lượng như K và Mg và chất xơ nhiều trong rau càng cua còn tốt cho tim mạch và huyết áp nên có thể góp phần chữa bệnh đái tháo đường, táo bón, cao huyết áp… Sắt nhiều trong càng cua nên còn được dùng tốt cho những người thiếu máu. Beta carotene cũng giúp chữa bệnh thị lực kém.
Không gây béo phì vì nhiều chất xơ và ít calo
Các bác sĩ tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho biết, nhờ những tác dụng trên, loại rau này được người Nhật ăn để ngừa ung thư.
Ở các nước phương Tây, người ta có thể nghiền lá càng cua ra dùng đắp trị sốt rét, đau đầu, dịch nhầy từ lá dùng uống trị đau bụng. Còn ở Trung Quốc, người ta dùng loại rau này làm thuốc trị đau nhức khớp, và vò nát đắp lên da trị phỏng do lửa hoặc nước sôi.
Tại các tỉnh miền Tây nam bộ nước ta, rau càng cua được dùng để làm các món gỏi, trộn với trứng luộc hoặc thịt bò, có khi người ta còn ăn sống, ép lấy nước uống.
Tuy nhiên, các bác sĩ tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương lưu ý, rau càng cua mặc dù rất hữu dụng nhưng cũng có thể gây ra một số vấn đề tiềm ẩn khi dùng không đúng cách. Những người bị tiêu chảy, sỏi thận, phụ nữ đang mang thai hay cho con bú, người bị dị ứng với loại rau này thì không nên ăn.
Không phải ai cũng biết rằng rau càng cua có hàm lượng chất dinh dưỡng cao nên có thể hỗ trợ điều trị tiểu đường, giàu chất chống oxy hoá, ngừa ung thư, nâng cao sức khoẻ tim mạch và cả chống viêm hiệu quả…
Đặc biệt, rau càng cua rất hợp để chế biến các món nộm như gỏi gà rau càng cua, gỏi rau càng cua cá hộp, gỏi rau càng cua tàu hũ ky… Bên cạnh đó, bạn cũng có thể trổ tài để chế biến món rau càng cua thịt bò theo công thức đơn giản này nhé.
1. Nguyên liệu làm món salad rau càng cua thịt bò
– Rau càng cua: 1 mớ
– Xà lách xoong Nhật: 1 mớ
– Thịt bò: 200 gram
– Hành phi
– Tỏi
– Gia vị: Nước mắm, dầu hào, hạt nêm, hạt tiêu xay, ớt bột
2. Cách làm món salad rau càng cua thịt bò
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Rau càng cua và xà lách xoong Nhật sau khi mua về sẽ được mang đi nhặt bỏ phần lá hỏng, lá úa rồi rửa lại nhiều lần với nước sạch. Tiếp đó, ngâm 2 loại rau này trong nước muối pha loãng.
– Rửa sạch thịt bò rồi xắt thành miếng mỏng.
– Bóc vỏ tỏi, rửa sạch và băm nhỏ.
Bước 2: Ướp thịt bò
– Lấy một chiếc bát, thêm thịt bò đã thái mỏng vào rồi nêm nếm cùng dầu hào, hạt tiêu xay, nước mắm, hạt nêm và tỏi băm.
– Trộn đều các nguyên liệu và ướp từ 30 phút đến 1 tiếng để thịt bò ngấm gia vị.
Bước 3: Xào thịt bò
– Đặt chảo lên bếp, thêm dầu ăn và cho tỏi băm nhuyễn vào phi thơm.
– Sau đó cho thịt bò đã ướp vào xào nhanh trên lửa lớn để thịt bò không bị dai. Khi thấy thịt bò chín thì tắt bếp và để riêng ra đĩa.
Bước 4: Pha nước trộn
– Pha nước mắm trộn gỏi theo tỉ lệ 2 thìa nước lọc, 1 thìa nước cốt chanh, 1 thìa nước mắm, 1 thìa đường, ớt bột và tỏi băm.
– Khuấy đều và nêm nếm lại cho phù hợp với khẩu vị.
Bước 5: Trộn salad rau càng cua thịt bò
– Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị vào một chiếc bát lớn, trộn đều và thêm nước mắm đã chuẩn bị.
– Sau đó xếp salad ra một chiếc đĩa nhỏ, cho hành hoặc tỏi phi lên và từ từ thưởng thức.
Món salad rau càng cua thịt bò sau khi chế biến xong sẽ có hương vị vô cùng hấp dẫn. Khi ăn, bạn không chỉ cảm nhận được vị chua ngọt, thanh mát mà còn rất tốt cho sức khoẻ. Bạn có thể ăn rau càng cua thịt bò như món khai vị và dùng kèm bánh phồng tôm.
3. Lưu ý khi chế biến món salad rau càng cua thịt bò
– Nên mua rau càng cua trông còn tươi với phần lá màu xanh nhạt và không bị sâu. Nên chọn những mớ rau có phần thân vừa phải vì những mớ có thân và lá quá to đã bị phun thuốc tăng trưởng.
– Khi trộn salad, bạn cần thao tác nhẹ tay để rau thấm gia vị mà không bị dập.
– Vì thịt bò đã được ướp gia vị nên khi cho nước mắm trộn, bạn cần thêm từ từ để tránh bị mặn.