Từ vụ bé trai 6 tuổi lạc trong rừng: 14 kỹ năng cha mẹ cần cho trẻ học ngay

Từ sự việc bé trai 6 tuổi ở Yên Bái có thể sống sót sau 5 ngày đi lạc trong rừng, chuyên gia cho rằng Bộ GD&ĐT cần đưa kỹ năng sinh tồn vào chương trình học.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) bày tỏ, bản thân bà rất vui mừng khi nghe được thông tin cháu bé 6 tuổi ở Yên Bái đã trở về với gia đình sau 5 ngày đi lạc trong rừng. Bởi việc tự sinh tồn tại 1 nơi thiên nhiên hoang vắng trong nhiều ngày như vậy là 1 điều rất khó khăn, kể cả với người lớn. Trong rừng, những điều nguy hiểm sẽ luôn rình rập, nhất là đối với những đứa trẻ.

TS Vũ Thu Hương cho rằng, cháu bé còn nhỏ nhưng đã được gia đình chỉ dạy các kỹ năng sinh tồn từ sớm một cách đúng đắn. Việc rèn luyện các kỹ năng không chỉ giúp trẻ phát triển hoàn thiện hơn, mà còn giúp các con sống an toàn trong điều kiện khó khăn.

“Trong cuộc đời mỗi người, không thể biết lúc nào sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cần sử dụng những kỹ năng sinh tồn. Bản thân tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng cũng đã nhiều lần trải qua những khó khăn. Lúc đó hoàn toàn phải trông đợi vào những kỹ năng sống của mình để có thể an toàn. Chính vì vậy, kỹ năng sinh tồn rất cần thiết, cần phải giáo dục trẻ. Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa nội dung này vào chương trình học”, TS Vũ Thu Hương cho hay.

Cháu Đ.T.L., SN 2018, được tìm thấy sau gần 5 ngày đi lạc trong rừng.

Cháu Đ.T.L., SN 2018, được tìm thấy sau gần 5 ngày đi lạc trong rừng.

Theo TS Vũ Thu Hương, những kỹ năng sinh tồn mà trẻ cần có trước hết là kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Những kỹ năng cơ bản như ăn, ngủ, tự vệ sinh cá nhân, tự mặc quần áo… Với trẻ lớn hơn có thể là các kỹ năng như giặt giũ, nấu nướng, sắp xếp phòng ngủ.

Ngoài ra, trẻ cần được giáo dục về những kỹ năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp, nguy hiểm như: bị mắc kẹt trong đám cháy; 1 mình phải đối mặt với cơn mưa lớn hay bão lũ, động đất, sóng thần… Những kỹ năng này sẽ giúp trẻ luôn bình tĩnh và ứng phó kịp thời trong từng tình huống nguy hiểm.

Trẻ cũng cần có những kỹ năng phòng tránh thảm họa, ứng phó với những nguy cơ có thể xảy đến như: nhận thấy có người đang theo dõi, có thể bị xâm hại hoặc bắt cóc, giết hại… Hay đơn giản hơn là bị đe dọa, dồn ép, đeo bán… Đó chính là những kỹ năng sinh tồn rất quan trọng mà các con cần được học.

Việc dạy kỹ năng sinh tồn cho trẻ là rất cần thiết (ảnh minh họa).

 

Việc dạy kỹ năng sinh tồn cho trẻ là rất cần thiết (ảnh minh họa).

Những kỹ năng trẻ 6 tuổi cần biết

1. Kĩ năng tự chăm sóc bản thân khi ở nhà: Tự xúc ăn, đói biết lấy đồ ra ăn, biết tắm, tự lau rửa sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, tự mặc quần áo, thay quần áo và tự giặt sạch, tránh các vật dụng nguy hiểm,…

2. Kĩ năng phòng tránh và ứng phó khi gặp nguy hiểm: Đây là nội dung vô cùng quan trọng và không thể thiếu vì không ai biết trước tương lai mình sẽ gặp phải cảnh ngộ gì. Một số tình huống khẩn cấp mà cha mẹ cần phải lưu tâm khi dạy con: Bắt cóc xâm hại; Hỏa hoạn; Đuối nước; Bỏng, Tai nạn thương tích; Động đất, Sóng thần; Lũ lụt.

3. Kĩ năng phòng tránh thảm họa: Con cần biết ứng xử phù hợp khi bị ai đó đe dọa, bị đeo bám, bị dồn ép….

4. Thuộc các số điện thoại khẩn cấp: Ngoài số điện thoại của mẹ/bố/ông/bà… các con cần học thêm các số điện thoại khẩn cấp nữa như: 114 cứu hỏa, 115 cấp cứu, 113 cảnh sát… Cha mẹ dặn con, trong những trường hợp khẩn cấp thì dù điện thoại hết tiền vẫn có thể gọi cứu hộ được vì đó là số điện thoại đặc biệt.

5. Xem bản đồ: Cho con tập làm quen với bản đồ tối giản có các kí hiệu rõ nét. Đánh dấu nhà mình lại và chỉ cho con cách xác định phương hướng. Cách này vừa phát triển khả năng cảm nhận không gian vừa giúp trẻ tìm đường về nhà nếu bị lạc.

6. Kỹ năng hỏi đường, nhờ vả khi gặp khó khăn.

7. Kỹ năng giao tiếp lễ phép, lịch sự: Để làm được điều này cha mẹ cần kiểm điểm xem cha mẹ đã là tấm gương nghiêm túc hay chưa?

8. Kĩ năng hoàn thành công việc được giao.

9. Kỹ năng chơi hòa đồng với bạn bè.

10. Thực hiện công việc nghiêm túc tập trung trong thời gian ngắn.

11. Kĩ năng tự thức dậy khi có tiếng chuông đồng hồ.

12. Kĩ năng bảo quản đồ dùng của chính mình.

13. Kĩ năng thực hiện những công việc bắt buộc mà mình không yêu thích: Cha mẹ cũng cần yêu cầu con phải thực hiện những gì con phải làm chứ không phải thích làm. Sự khó chịu, bực bội do bị ép buộc sẽ làm trẻ dễ nổi cáu. Giúp trẻ bình tĩnh và kiên nhẫn thực hiện nhiệm vụ khó chịu là cách hay nhất để con chống lại cảm giác chán học sau này.

14. Chơi thể thao: Duy trì 1 môn thể thao yêu thích cho con là cách hay nhất để con phát triển cơ thể hoàn chỉnh, khỏe mạnh. Đồng thời thể thao sẽ giúp con xả stress.

Trưa ngày 17/8, cháu Đ.T.L., SN 2018, con trai út của gia đình anh Đặng Văn Nhể và chị Lý Thị Phái, cùng gia đình đi ăn rằm tháng 7 tại nhà họ hàng cùng thôn.

Đến chiều, cháu L. cùng các anh chị em trong họ sang bên kia con suối gần nhà chơi. Khi các anh, chị, em đang mải hái quả xoan rừng thì L. đã rẽ lên khu vực trồng sắn gần đó và không tìm thấy đường về.

Chính quyền địa phương đã huy động nhiều người gồm lực lượng công an, quân sự, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh từ xã đến thôn, anh em trong dòng tộc để tìm kiếm cháu bé.

Sau gần 5 ngày tìm kiếm, sáng 21/8, cháu L. được người dân tìm thấy trong tình trạng kiệt sức do đói và khát. Các đơn vị đã đưa cháu đến nhà người dân gần đó để chăm sóc sức khỏe, đồng thời liên hệ chính quyền xã Lâm Giang (Văn Yên, Yên Bái) thông báo, bàn giao cho gia đình.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/tu-vu-be-trai-6-tuoi-lac-trong-rung-14-ky-nang-cha-me-can-cho-tre-hoc-…