Chuyên trang du lịch Culture Trip đã liệt kê một loạt những phong tục tuy rất đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam nhưng lại có thể khiến nhiều du khách nước ngoài thấy vô cùng lạ lẫm và thú vị.
Culture Trip nhận định: “Việt Nam luôn là một điểm đến thú vị để ghé thăm. Dù bạn có thể không hiểu được ngôn ngữ hay những phong tục truyền thống của họ thì chúng vẫn luôn ẩn chứa vô vàn những điều thú vị”.
Dưới đây là những phong tục mà Culture Trip cho rằng du khách nước ngoài sẽ cảm thấy mới lạ khi lần đầu bắt gặp ở Việt Nam.
1. Cúng đầy tháng
Lễ cúng đầy tháng cho con thứ hai của gia đình Jay Quân – Chúng Thanh Huyền. Ảnh: FBNV
Lễ cúng đầy tháng cho trẻ sơ sinh ở Việt Nam được ví như dịp kỷ niệm 100 ngày nắm quyền đầu tiên của tổng thống các nước. Trong ngày đầy tháng, thường các gia đình Việt Nam sẽ làm lễ cúng đầy tháng và làm cỗ mời họ hàng khách khứa để mừng cho cháu bé đã qua thời trứng nước, đồng thời cũng là thời điểm mẹ của cháu bé kết thúc giai đoạn kiêng khem ở cữ. Tại đây, người lớn có thể tặng em bé đồng tiền may mắn.
2. Gà luộc
Gà luộc là món ăn không thể thiếu trong các mâm cỗ của người Việt. Ảnh: Foody
Gà luộc được coi là món ăn đặc trưng luôn xuất hiện trong bất kỳ bữa ăn truyền thống vào các dịp lễ quan trọng của người Việt Nam. Dù đó là tiệc cưới, lễ Tết, lễ rằm hay đám giỗ thì gà luộc vẫn là món ăn “chủ lực”, “không thể thiếu”.
“Cứ nhìn cách người Việt trân trọng món gà luộc, người ta lại tin rằng, ẩm thực nước này sẽ chẳng thể nào bị ‘Tây hóa’ cho dù có bao nhiêu chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh đang mọc lên như nấm ở ngoài kia”, bài viết khẳng định.
3. Hỏi những câu mang tính cá nhân, riêng tư
Việc đặt những câu hỏi cá nhân đôi khi chỉ là một cách để chào hỏi. Ảnh: Around Hanoi
Nhiều du khách nước ngoài tới Việt Nam có thể sẽ cảm thấy không quen, thậm chí là “sốc” khi thi thoảng sẽ bị người địa phương chưa quen biết hỏi những câu mang tính cá nhân, đầy riêng tư như: “Bạn đã kết hôn hay có chồng chưa?”, “Bạn có mấy con?”, “Bạn kiếm được bao nhiêu mỗi tháng?”.
Tuy nhiên, bài viết cũng chỉ ra, việc đặt những câu hỏi này đôi khi chỉ là một cách để chào hỏi, vì vậy hãy cứ bình tĩnh, “và hiểu rằng trả lời những câu hỏi xã giao như vậy là cách nhanh nhất để gần gũi với người dân địa phương”.
4. Mời người lớn ăn cơm
Mời người lớn ăn cơm là cách thể hiện sự tôn trọng và vai vế trong gia đình. Ảnh: AdTV
Trong bữa cơm của các gia đình, đặc biệt ở miền Bắc Việt Nam, việc những người nhỏ tuổi hơn mời người lớn trong nhà dùng cơm dường như là điều bắt buộc. Đây là cách thể hiện sự tôn trọng đối với người lớn tuổi.
Tuy nhiên, việc mời người lớn ăn cơm sẽ càng thêm phần khó khi gia đình đông đúc hoặc trong những bữa ăn tụ tập đông đủ họ hàng. Nhiều người sẽ băn khoăn không biết phải mời ai trước để không bị coi là hành xử sai.
5. Bật các bài hát tiếng Anh trong những dịp lễ
Các ca khúc nước ngoài thường được phát trong nhiều sự kiện như tiệc cưới ở Việt Nam. Ảnh: Phuong Wedding
Nếu du khách có dịp đến thăm Việt Nam trong những dịp lễ hội, đầu năm mới hay được mời tham dự một tiệc mừng sinh nhật hay đám cưới ở địa phương thì “đừng cảm thấy quá bất ngờ” khi những bài hát tiếng Anh được phát vang. Nếu là dịp năm mới thì chắc chắn phải có ca khúc “Happy New Year” của ABBA. Những “thánh ca” bất hủ thường xuyên được sử dụng trong các đám cưới ở Việt Nam thì phải kể tới “Beautiful in White” của Shane Filan, “I do” – 911 band, “Everytime we touch” – Cascada, “If I let you go” – Westlife…