Một loại cây dại mọc ở các vùng ẩm ướt và trở thành đặc sản được nhiều người săn lùng bởi vừa lạ miệng, vừa là bài thuốc chữa bệnh, không phải ai cũng biết.
Một số lợi ích không ngờ của rau dớn
Rau dớn là rau tự nhiên, mọc dại trong rừng. Loại cây này thuộc họ dương xỉ, nó còn có tên gọi khác như: dớn rừng, rau dớn rừng, thái quyết… Tên khoa học: Diplazium esculentum. Ở vùng núi cao các tỉnh miền núi phía Bắc, người dân không xa lạ với loại rau rừng này.
Rau dớn thường mọc ở vùng núi rừng hay nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp có độ ẩm ướt cao, những nơi ẩm ướt và thiếu ánh nắng mặt trời. Ở một số nơi, rau dớn mọc thành vạt, thành đám rộng dưới những tán cây rừng râm mát.
Ăn 1 mớ rau này tốt ngang thịt, trước mọc dại nay lên tầm đặc sản “vua các loại rau”. Ảnh minh họa.
Thông thường lá rau dớn xanh mượt, lá mọc so le, hình ngọn giáo, đoạn vòi cuốn hình dạng như cái vòi voi. Lá thì sử dụng trong ẩm thực ngon, rau dớn chịu ẩm tốt, đặc biệt là khu vực ven ao, hồ. Loại rau rừng này có giá trị sử dụng trong y học cổ truyền và được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản ngon.
Biết được cong dụng của loại rau dại này nhiều người thường thu hoạch những đọt ngọn non cuốn lại như vòi voi để chế biến thành món ăn. Rau dớn vào mùa mưa là ngon nhất vì nhiều lá non.
Chia sẻ về loại rau dại nhưng có nhiều công dụng đối với sức khỏe Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho hay, ở nhiều tỉnh rau dớn còn được xem là “vua của các loại rau”. Loại rau này mọc tự nhiên nên không có thuốc trừ sâu, tăng trưởng.
Theo y học cổ truyền, rau dớn là một bài thuốc chữa được nhiều bệnh lý khác nhau:
– Về tính vị, rau dớn có tính mát, lợi tiểu, tốt cho đại tràng.
– Rau dớn nhiều công năng khác nhau như chữa ho, nhức đầu, sốt cao, làm lành vết thương, nhiễm trùng da, tiêu chảy, kiết lỵ.
– Loại rau này ví như là “thuốc bổ” cho phụ nữ sau sinh.
– Ăn rau dớn giúp lưu thông máu.
– Chất nhớt trong lá, thân giúp nhuận tràng.
– Cành và lá rau này có thể phơi khô làm trà uống.
– Chế biến rau dớn thành các món ăn bổ sung trong các bữa cơm hằng ngày.
Bài thuốc dân gian có thể giúp bạn làm lành vết thương cầm máu. Đầu tiên lấy 50gram rau dớn rửa sạch giã nhỏ và đắp trực tiếp lên vết thương. Trường hợp đau bụng, hen suyễn, sốt rét có thể lấy rau dớn rửa sạch đem thái nhỏ rồi sắc lên với 200ml nước đun đến khi gần cạn thì chắt nước uống.
Lương y Sáng lưu ý rau dớn có chất nhờn nên rửa cần nhẹ tay. Ngoài ra, lá và thân bẩn nên cần được rửa thật sạch, chần qua nước sôi để giảm độ nhớt và nâng cao chất lượng món ăn.
Rau dớn mọc um tùm như cỏ dại.
Gợi ý một số món ăn từ cây rau dớn
Hiện nay, rau dớn đã trở thành món đặc sản nơi phố thị, thậm chí có mặt trong những nhà hàng sang trọng, rau dớn đã trở thành đặc sản, là thứ rau sạch mà các nhà hàng luôn chú ý trong thực đơn. Rau dớn là một loại rau rừng đặc sắc được nhiều người ưa thích có giá cả phải chăng nhất, khoảng 40.000-60.000 đồng/kg.
Rau dớn thường mọc ở các khu vực ẩm ướt, nó có tác dụng hút asen trong đất làm sạch môi trường nên khi ăn cần chọn rau ở vùng đất không bị ô nhiễm hóa chất. Nên ăn rau nấu chín, hạn chế gỏi rau dớn vì có thể gây chướng bụng cho người ăn.
Rau dớn nộm
Rau dớn có thể chế biến thành nhiều món ăn như: Rau dớn xào tỏi, rau dớn xào nước măng chua…nhưng có lẽ món nộm rau dớn luôn làm hài lòng những thực khách khó tính nhất, là món rau rất đỗi bình dị nhưng đậm đà hương vị của núi rừng.
– Rau dớn được lấy phần ngọn non, các lá bánh tẻ, rửa sạch.
– Luộc rau bằng cách đun nước cho thật sôi, to lửa rồi bỏ rau vào, lật lên khi nước vừa sôi thì vớt ra, cho ráo nước. Lưu ý khi luộc rau không đậy vung nồi vì nếu đậy vung rau sẽ mất màu xanh.
– Chuẩn bị các phụ gia: lạc rang giã nhỏ, chanh quả, ớt, gừng, tỏi đập nhỏ, một chút bột canh, mì chính. Rau dớn được trộn đều, nhẹ tay với các loại gia vị và để khoảng 5 phút cho ngấm rồi rắc lạc rang lên trên bày ra đĩa.
– Món nộm khi ăn sẽ cảm nhận được vị thanh mát của rau dớn, bùi của lạc, mùi thơm của các loại gia vị ngấm vào từng ngọn rau.
Lưu ý: Rau dớn có vị hơi nhơn nhớt, bởi vậy trước khi chế biến món ăn phải nhúng sơ qua với nước sôi, hoặc một số nơi, người dân thường đem phơi nắng cho héo. Rau dớn luộc chẳng kén nước chấm, chỉ cần chén nước mắm thật ngon, cho thêm vài ánh tỏi giã giập, vài lát ớt hiểm là đủ.
Ngọn rau dớn ăn rất thơm ngon.
Rau dớn xào
– Đọt lá non dùng để xào.
– Với món dớn xào tỏi hay xào chung với thịt bò, thịt lợn… thì đừng quên rắc thêm ít hạt mắc khén mang hương vị đặc trưng của núi rừng. Mùi thơm của hạt tiêu rừng bám vào từng ngọn rau xanh biếc, giòn giòn còn vương chút nhớt đọng lại nơi đầu lưỡi như tôn thêm vị thơm ngon nguyên sơ và đậm đà.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/an-1-mo-rau-nay-tot-ngang-thit-bo-nhin-qua-cu-tuong-co-dai-a668025.ht…