Tôi 65 tuổi, lận đận cả đời đến lúc nghỉ hưu mới thấm: Đừng mong đợi ở con, có tiền phải biết giữ vào thân!

“Tôi yêu tiền, biết tiêu tiền, làm việc hợp pháp để dành thêm tiền hưu trí thì có gì sai. Nói về tiền bạc, nếu bạn chưa trải qua cảm giác nghèo khó sẽ rất khó hiểu!”, bà Lin Yuping chia sẻ.

Câu chuyện thực tế của bà Lin Yuping, 65 tuổi được chia sẻ trên diễn đàn Toutiao (MXH của Trung Quốc) đang nhận được sự quan tâm của mọi người.
Tôi tên là Lin Yuping, 65 tuổi, sinh sống ở Trung Quốc. Tôi xuất thân trong một gia đình nghèo khó. Để được đi học đại học là cả hành trình nỗ lực gian nan, chiến đấu chống lại số phận.

Cũng như bao cô gái khác, đến tuổi lập gia đình, tôi lựa chọn kết hôn với một người đàn ông tuy học không cao nhưng gia cảnh khá giả. Chồng tôi là con trai duy nhất trong nhà, được bố mẹ nuông chiều từ nhỏ, công việc là kinh doanh tự do. Sau khi lấy chồng, tôi sinh hạ được một cô con gái, vì điều này khiến bố mẹ chồng tôi không vui.

Nhưng bạn biết đấy, tôi đâu thể làm được gì khác? Nó không giống như bài kiểm tra ở trường – nơi bạn chỉ cần học tập chăm chỉ và chạy nước rút là có thể đạt kết quả cao. Cuộc sống tạm êm đềm trôi qua vào mấy năm đầu, lúc đó tôi là giáo viên tại ngôi trường nhỏ.

Bà Lin Yuping.

Tuy nhiên đến khi con 6 tuổi, tôi phát hiện chồng phản bội mình. Mới đầu, mẹ chồng không ủng hộ mối quan hệ ngoài luồng nhưng sau khi biết cô ta có thai là bé trai liền thay đổi thái. Cô ta đòi hỏi phải có danh phận, được pháp luật công nhận và tôi là người ngậm ngùi rời căn nhà đó. Sau khi ly hôn, tôi có khoản tiền lớn từ việc chia tài sản. Tôi tự mình nuôi con gái mà không nhận thêm một đồng trợ cấp từ chồng cũ. Nhờ sự chăm chỉ làm việc nên cuộc sống 2 mẹ con dần ổn định, không có quá nhiều vất vả.

Công việc giáo viên rất quan trọng với tôi. Tuy nó không giúp tôi giàu chỉ sau một đêm nhưng có thể đảm bảo nguồn thu nhập, giúp mẹ con sống tốt. Nhờ chăm chỉ làm việc, thời gian sau tôi mua thêm được căn nhà khác – dự tính làm của hồi môn cho con cái.

Tuy nhiên vào thời điểm đó, thị trường bất động bắt đầu khởi sắc. Năm 2011, căn nhà tôi mua tăng gấp 3 so với giá trị ban đầu. Tôi quyết định bán đi, mua thêm 2 căn nhà nhỏ nữa. Sau nửa năm, giá nhà lại tăng và tôi có khoản tiền lớn từ việc mua đi bán lại các căn nhà. Nhờ thức thời kinh doanh bất động sản giúp tôi sở hữu khối tài sản kếch xù, cuộc sống không áp lực.

Bằng số tiền kiếm được, tôi đầu tư rất nhiều vào việc học của con. Tôi cho con học ở ngôi trường tốt nhất, tham gia các khóa đào tạo chất lượng cao và trải nghiệm các công cụ học tập tiên tiến. May mắn thay, con tôi ngoan ngoãn, học hành siêng năng, cuối cùng thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng. Điều này coi như đã hoàn thành được tâm nguyện lớn nhất của tôi.

Ra trường, con gái tôi đi làm và kết hôn với một người đàn ông lớn hơn con 10 tuổi. Tôi không hài lòng, muốn con đi làm tích lũy kiến thức cùng kinh nghiệm vài năm rồi mới kết hôn. Hơn nữa, bạn trai hơn con nhiều tuổi có thể dễ xảy ra bất đồng quan điểm khi chung sống.

Nhưng cuối cùng, tôi đành chấp nhận thỏa hiệp với con. Sống lâu trên đời, tôi nhìn thấu mọi khó khăn mà con gái tôi sắp phải trải qua. Đúng như dự đoán, trải nghiệm của con giống hệt với tôi trước đây – gặp phải mẹ chồng khó tính. Con tôi bị kiểm soát tài chính, thời gian nên càng về sau, thời gian tôi gặp con càng ít dần. Nhất là sau khi con gái sinh cháu ngoại, con càng không có nhiều thời gian dành cho tôi.

Sau khi nghỉ hưu, tôi mở cửa hàng văn phòng phẩm trước cổng trường nhưng công việc kinh doanh chỉ ở mức trung bình vì thời đại ngày nay, mọi người đều mua sắm trực tuyến. Sau đó, tôi lại cùng bà bạn thân mở thêm quán nướng, tạo nguồn thu mới.

Nhưng chỉ sau một thời gian, do mâu thuẫng với bạn nên tôi buộc phải đóng cửa quán. Tôi không thích làm việc với người khác vì đã quen với sự tự do. Có lẽ tôi đã nhìn thấu dù chồng, bố mẹ chồng, con gái hay bạn thân đều không đáng tin cậy. Họ chỉ là người qua đường trong cuộc đời nên tôi chưa bao giờ từ bỏ việc kiếm tiền. Chỉ có tiền mới có thể mang lại cho tôi cảm giác an toàn.

Từng có lúc, tôi nghĩ rằng với tài sản hiện tại, tôi có thể an nhàn nghỉ ngơi mà không lo ngại. Nhưng sau một thời gian ngày ăn 3 bữa, chẳng làm gì ngoài việc ngồi xem điện thoại khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu. Tôi chợt nhận ra, lao động mới giúp tinh thần phấn chấn, đầu óc minh mẫn.

(Ảnh minh họa)

Thế rồi học tập giới trẻ, tôi tạo ra các video chia sẻ cuộc sống hưu trí hàng ngày. Dần dần, kênh của tôi có nhiều người theo dõi, họ chia sẻ rằng thấy các video thú vị bởi cách nói chuyện mộc mạc, dễ thương. Nội dung xoay quanh những điều bình dị, từ cách dọn dẹp nhà cửa, bí quyết chăm sóc sức khỏe, cách chọn đồ gia dụng, phương pháp giáo dục con,…

Bằng cách này, bây giờ tôi đã là một blogger. Ngoài lương hưu, số tiền tiết kiệm gửi ngân hàng thì giờ tôi có nguồn thu nhập thụ động khá lớn. Có thể mọi người nói rằng, đã lớn tuổi thì đừng quá đặt nặng vấn đề tiền bạc. Nhưng với tôi, ai cũng có cách sống riêng. Tôi yêu tiền, biết tiêu tiền, làm việc hợp pháp để dành thêm tiền hưu trí thì có gì sai. Nói về tiền bạc, nếu bạn chưa trải qua cảm giác nghèo khó sẽ rất khó hiểu!

Vào năm ngoái, tôi tài trợ 200.000 NDT cho một trường Tiểu học vùng núi. Tuy số tiền không nhiều nhưng mang đến sự ấm áp, thắp lên tia hy vọng cho các em. Tôi dùng sức lực, tài chính ít ỏi của mình để đóng góp cho xã hội vì đồng cảm với tuổi thơ khó khăn của mình. Tôi nghĩ rằng đôi khi chỉ bằng một hành động tử tế có thể thay đổi cả cuộc đời người khác.