Trời nóng như thế này, không có điều hòa trong nhà chắc không chịu được. Đó là chia sẻ của rất nhiều chị em trong thời gian qua, nhưng xài điều hòa rồi lại thấy tốn tiền, đau ví. Rồi giờ làm sao, chả nhẽ chuyển qua xài quạt máy lại?
Thực tế, không phải cứ có điều hòa là vứt bỏ chiếc quạt máy đi đâu. Chị em không thấy trong các cách hướng dẫn tiết kiệm điện luôn có cách sử dụng kết hợp cả 2 thứ sao? Kể cả nếu chỉ dùng chiếc quạt máy và biết cách vẫn có thể giúp căn phòng mát hơn bình thường đấy.
Mới đây em đọc được bài viết chia sẻ của một cô gái trên trang Phụ nữ Việt Nam bày mẹo dùng quạt máy hiệu quả, mình xài lâu chưa chắc biết đâu chị em.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Nghệ An.
Đa số chúng ta thường dùng quạt máy theo kiểu cắm điện rồi chỉnh theo các cấp độ 1, 2 hoặc 3, chọn chế độ quay hoặc đứng yên. Nhưng cô gái này chia sẻ muốn mát cần phải chú ý vị trí đặt quạt nữa đấy ạ.Hãy để chúng đối diện với cửa sổ đang mở. Đặt theo hướng này, đến khi bật quạt lên sẽ giúp hút hết không khí nóng trong phòng và đẩy chúng ra ngoài. Đây là cách làm mát vào ban ngày. Còn ban đêm, nhiệt độ ngoài trời thấp hơn nên chị em phải quay hướng quạt ngược lại để hút hết không khí mát mẻ bên ngoài vào giúp phòng mát hơn.
Thực tế, chỉ cần làm 15 phút là phòng đã mát hơn rất nhiều rồi. Không tin, chị em cứ thử xem nào.
Được biết, ngay sau khi đoạn clip ngắn chia sẻ về mẹo này được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút được rất nhiều lượt xem. Nhiều người và trong đó có cả em, không hề biết cách ấy cho đến khi xem clip này. Thậm chí có người còn chia sẻ rằng tình cờ họ đi ngang qua ngôi nhà nọ và thấy người trong nhà làm theo cách ấy nhưng mà họ cứ thấy kỳ quặc, không hiểu tại sao cho đến khi xem được đoạn clip này.
Không chỉ là mẹo dùng quạt máy, chị em vẫn có thể vận dụng thêm nhiều cách khác nhau để giúp căn phòng trong nhà mát hơn mà không cần tốn tiền sử dụng điều hòa. Chẳng hạn như:
– Vứt bỏ các món đồ không có nhu cầu sử dụng tới.
– Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng để giúp không gian trở nên thông thoáng hơn. Hãy học theo phong cách tối giản của người Nhật, không chỉ giúp nhà mình mát hơn, mà còn giúp chị em cảm thấy cuộc sống này nhẹ nhàng hơn.
– Nếu thấy nhiệt độ trong phòng tăng cao thì chị em hãy thử cách lau nhà và lau các vật dụng xung quanh trong phòng sạch sẽ, cũng là cách giúp hạ nhiệt và làm phòng mát hơn.
– Trồng thêm cây xanh trong nhà, chẳng hạn như cây nha đam, cây dương xỉ, cây vạn niên thanh, cây trầu bà lá vàng.
– Nếu nhà hoặc phòng của chị em sử dụng mái tôn thì hãy dùng miếng dán cách nhiệt sẽ ngăn được sức nóng tỏa xuống phòng, nhà.
– Ban ngày, chị em nên kéo bớt rèm cửa lại để ngăn ánh nắng chiếu trực tiếp vào nhà khiến phòng nóng hơn. Còn ban đêm thì nên mở rèm cửa ra để đón gió vào nhà. Lưu ý nên chọn rèm cửa có màu tối để ngăn bớt ánh nắng chiếu vào phòng.
– Tắt bớt các thiết bị điện không sử dụng đến, đặc biệt là bóng đèn. Dùng nhiều thiết bị điện thì nhiệt lượng tỏa ra càng lớn và căn phòng của chị em trở nên nóng hơn.
– Nằm ngủ hoặc nghỉ ngơi trên sàn nhà thay vì trên nệm hoặc tấm trải. Đây cũng là cách giúp chị em cảm thấy mát mẻ, dễ chịu và dễ ngủ hơn, mà không cần phải dùng tới điều hòa.
– Thay các loại chăn, ga, gối nệm làm mát.
– Tăng cường ăn uống các loại thực phẩm, nước uống giúp giải nhiệt, như rau xanh, trái cây tươi thanh mát, sinh tố… và uống nhiều nước tinh khiết. Đồng thời, hạn chế ăn các món cay, nóng chẳng hạn như ớt, tỏi, các đồ uống có cồn,…
– Hạn chế mặc nhiều áo quần, theo các chuyên gia chia sẻ, vào mùa nóng, chị em nên mặc áo càng mỏng càng tốt và mặc màu sáng với chất liệu tự nhiên như bông hoặc vải lanh để thấm hút mồ hôi.
– Ngâm chân trong nước mát cũng là cách để chị em cảm giác mát hơn vì ở đây là vị trí của các dây thần kinh cảm giác.
Ảnh trái: Ảnh cắt từ clip chia sẻ. Nguồn: Phụ nữ Việt Nam. Ảnh phải: Ảnh minh họa. Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật.
Chỉ cần vận dụng đầy đủ các cách nói trên, em tin rằng không cần dùng điều hòa, vẫn có thể giúp không khí trong nhà và phòng của chị em mát rượi. Điều này vừa giúp đỡ phải trả nhiều tiền điện, lại vừa tốt cho sức khỏe đường hô hấp của cả nhà vào mùa nắng nóng.