Ở Việt Nam, hạt mít thường bị vứt bỏ sau khi bổ, nhưng ít ai ngờ tại Nhật Bản chúng được bán với giá rất cao.
Bộ phận của quả mít được bán giá đắt tại Nhật
Mít là loại trái cây nhiều người yêu thích. Thứ quả đặc biệt này không chỉ thơm ngon mà còn nổi tiếng chứa nhiều dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Trong quả mít, ngoài phần múi ra thì phần hạt mít, lá mít cũng có công dụng chữa bệnh.
Ở Việt Nam, hạt mít thường bị vứt bỏ sau khi bổ, nhưng ít ai ngờ tại Nhật Bản chúng được bán với giá rất cao. Trong các siêu thị Nhật, bạn sẽ phải trả 200 nghìn đồng cho 1kg hạt mít. Lý do không chỉ bởi chi phí xuất sang Nhật đắt đỏ mà còn bởi nguồn giá trị về dinh dưỡng mà chúng đem lại.
Hạt mít được người Nhật yêu thích vì vừa ngon vừa có công dụng chữa bệnh (Ảnh minh họa: Getty).
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết: Hạt mít có vị ngọt, tính bình, có mùi thơm, có tác dụng tu dưỡng ích khí, thông sữa. Loại hạt này có thể phơi khô để làm lương thực dự trữ.
Theo y học hiện đại, hạt mít chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C và E, carotenoid và các polyphenol. Những chất này giúp ngăn chặn sự tàn phá tế bào do gốc tự do gây ra, giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật và quá trình lão hóa.
Bên cạnh đó, hạt mít cũng giàu kali, một khoáng chất quan trọng cho sự hoạt động của tim mạch. Kali giúp ổn định huyết áp và giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch như cao huyết áp và bệnh tim.
Hạt mít còn là một nguồn phong phú chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan. Chất xơ giúp cải thiện chuyển hóa chất béo, duy trì sự cân bằng đường huyết, và tăng cường chức năng tiêu hóa.
Ăn hạt mít, cơ thể nhận về những “món quà” nào?
Trị đầy bụng
Cách làm: Mang hạt mít lượng đủ dùng đi luộc hoặc rang/nướng. Ăn sẽ có tác dụng trị bệnh.
Mờ nếp nhăn
Cách làm: Ngoài việc ăn hạt mít như một món ăn vặt, chị em có thể dùng bột hạt mít để đắp mặt nạ. Bạn hãy lấy hạt mít mang đi xay nhuyễn cùng sữa. Sau khi để lạnh có thể mang hỗn hợp này đắp lên mặt. Dùng đều đặn sẽ có công dụng mờ nếp nhăn.
Ngoài việc ăn hạt mít như một món ăn vặt, chị em có thể dùng bột hạt mít để đắp mặt nạ (Ảnh: Getty).
Trị tiêu chảy
Cách làm: Chuẩn bị 20g hạt mít sao vàng, 12g mộc hương. Mang nguyên liệu đi sắc uống 1 thang/ngày.
Chống bệnh thiếu máu
Cách làm: Ăn hạt mít 1-2 lần/tuần để bồi bổ sắt, bởi hạt mít là một thực phẩm giàu sắt. Không những vậy, hạt mít còn làm tăng sản xuất các tế bào hồng cầu, do đó tăng cường khả năng miễn dịch và ngăn ngừa bệnh tật.
Hỗ trợ giảm cân
Cách làm: Chị em có thể ăn hạt mít dưới dạng đồ ăn vặt, do hạt mít cung cấp nhiều chất xơ lại ít calo nên có thể trở thành món ăn chống đói phù hợp cho người muốn giảm cân.
Hạt mít có thể được sử dụng dưới dạng đồ ăn vặt (Ảnh: Getty).
Lưu ý khi ăn hạt mít
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng cho biết, dù hạt mít giàu chất xơ nhưng cũng có chứa hàm lượng tinh bột, do đó không nên ăn quá nhiều. Nếu muốn sử dụng hạt mít để điều trị bệnh, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Hạt mít thường được ăn dưới dạng hạt khô hoặc rang, không nên bổ sung thêm gia vị. Không nên ăn hạt mít sống vì chúng thường chứa các chất chống độc rất mạnh đó là tannin và chất ức chế trypsin, có thể sẽ làm cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng và tiêu hóa.
Mặc dù hiếm, nhưng một số người có thể phản ứng dị ứng với hạt mít. Nếu bạn có dấu hiệu dị ứng như ngứa, phát ban, hoặc khó thở sau khi ăn hạt mít, hãy ngừng sử dụng và đến gặp bác sĩ ngay.
Những nhóm người không nên ăn mít
Mít là một loại trái cây tự nhiên và an toàn cho phần lớn mọi người. Tuy nhiên, có một số trường hợp được khuyên nên hạn chế hoặc tránh ăn mít.
– Người bị tiểu đường: Mít có hàm lượng đường tự nhiên khá cao, do đó người bị tiểu đường nên kiểm soát lượng mít tiêu thụ. Người bệnh có thể nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để biết liều lượng mít phù hợp.
– Người có cơ địa quá nóng: Những người có cơ địa nóng nên hạn chế ăn mít quá nhiều. Nguyên nhân là vì mít nhiều đường, sau khi ăn nó có thể tạo ra cảm giác bức bối, khó chịu trong cơ thể.
– Người béo phì: Người bị béo phì nên hạn chế ăn nhiều loại quả chứa đường như mít, để tránh tích tụ mỡ trong bụng.
– Người bị gan nhiễm mỡ: Mít chứa nhiều đường, không tốt cho gan, thậm chí có thể gây ra cảm giác nóng trong cơ thể. Những ai mắc bệnh gan nhiễm mỡ và mỡ máu cao cần thận trọng khi tiêu thụ các loại quả nhiều đường như mít.