Ngoài các loại gia vị như gừng, sả, bạn bạn có thể thử luộc vịt với loại quả này để gia tăng hương vị cho món ăn, giúp thịt vịt thơm ngon hơn.
Thịt vịt luộc là món ăn quá đỗi quen thuộc với người Việt. Nhiều người thích ăn món này vì cho rằng thịt vịt mát, bổ. Đặc biệt, người ta rất hay ăn thịt vịt vào những ngày cuối tháng âm lịch để xả xui.
Thịt vịt có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều chất béo lành mạnh và giàu protein tốt cho sức khỏe. Theo Đông y, ăn thịt vịt giúp cơ thể tư âm, dưỡng vị, bổ ngũ tạng, hỗ trợ điều trị một số bệnh như tiểu tiện bất lợi, giải độc.
Món vịt luộc nghe thì đơn giản nhưng khi chế biến cũng cần có những bí quyết nhất định bởi thịt vị rất dễ bị hôi và dai. Khi luộc vịt, bạn cần sơ chế nguyên liệu thật kỹ, chọn đúng loại gia vị phù hợp thì món ăn mới thơm ngon.
Dưới đây là một số mẹo nhỏ giúp việc luộc vịt đơn giản hơn, làm thịt vịt ngon như ngoài hàng.
Chọn vịt ngon
Với món vịt luộc, bạn cần phải chọn được con vịt ngon, không quá non cũng không quá già. Vịt non thì phần thịt dễ bị nát và hôi, lông măng nhiều. Vịt già thì thịt dai, khó ăn. Không lựa vịt quá béo vì phần mỡ nhiều ăn rất dễ bị ngán.
Tốt nhất nên mua vịt tươi sống. Nếu không biết cách làm thịt vịt hoặc ngại làm thịt vịt thì bạn có thể nhờ người bán làm ngay tại chỗ. Thịt vịt tươi bao giờ cũng thơm ngon hơn.
Nên chọn những con vịt khỏe mạnh, mắt trong và nhanh nhẹn, hai cánh ép sát mình, lông mượt. Vịt bệnh thì hai cánh thường rủ xuôi, lông xù, diều tích thức ăn và bị cứng lại.
Vịt đực thường dày mình và thịt đậm hơn so với vịt cái. Vịt già thì phần mỏ cứng và nhỏ. Vịt non thì phần mỏ mỏng và mềm. Vịt đực đầu to, mắt tròn, màu nâu nhạt; mông bé; tiếng kêu lớn, hơi khàn đục; ấn nhẹ vào bộ phận sinh dục thì thấy có ống nhỏ thò ra. Vịt cái thường có đầu nhỏ, mông to, mắt nâu sẫm, không có ống thò ra khi ấn vào bộ phận sinh dục…
Sơ chế vịt
Sau khi cắt tiết, bạn hãy vẩy một chút nước giấm hoặc rượu lên toàn bộ con vịt. Để nguyên như vậy khoảng 5-7 phút. Sau đó, nhúng con vịt vào chậu nước ấm cho lỗ chân lông mở ra. Thử rút lông vịt nếu thấy dễ nhổ thì tiến hành làm sạch phần lông.
Bạn có thể nhờ người bán hàng làm lông vịt để tiết kiệm thời gian.
Khử mùi hôi của thịt vịt
Thịt vịt thường có mùi hôi vì vậy khâu sơ chế phải làm thật kỹ để không ảnh hưởng đến món ăn. Nên cắt bỏ phần phao câu để tránh tình trạng mùi hôi của bộ phận này làm hỏng thành phẩm.
Dùng muối hạt chà xát cả bên trong và bên ngoài của con vịt. Sau đó, dùng gừng đập dập, băm nhỏ tiếp tục thoa đều lên con vịt. Muối có tác dụng làm sạch, gừng giúp khử mùi hôi của vịt.
Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể rửa lại vịt với rượu hoặc giấm gạo, chanh để tiếp tục loại bỏ chất bẩn và khử mùi hôi của vịt.
Rửa lại vịt bằng nước sạch rồi để ráo trước khi đem đi chế biến.
Mẹo luộc vịt
Để món vịt được thơm ngon, bạn cần chuẩn bị một số loại gia vị. Thông thường, vịt hay được luộc cùng với gừng, hành hoặc sả. Để thịt vịt đậm đà, bạn có thể nêm chút muối vào nước luộc vịt. Một số người còn thêm chút rượu trắng hoặc rượu nấu ăn để thịt vịt thơm ngon. Nếu không quen với loại gia vị này, bạn có thể không cho.
Ngoài ra, có hai nguyên liệu bí mật có thể giúp món vịt luộc ngon hơn đó chính là nước dừa và mướp hương. Hai thứ này sẽ giúp thịt vịt ngọt thơm tự nhiên. Phần nước luộc dùng để nấu canh rất ngon.
Bạn hãy đặt một nồi nước lên bếp, căn cho lượng nước vừa đủ để ngập con vịt (dùng 1-2 quả dừa tươi non và chế thêm nước lạnh). Đun đến khi nước sủi tăm thì cho vịt vào nồi. Thêm vài nhánh gừng đập dập (có thể dùng gừng nướng cho thơm hoặc dùng sả đập dập cũng được), cùi dừa nạo vào nồi.
Đậy vung luộc vịt từ 5-10 phút. Tùy theo kích thước của con vịt mà thời gian luộc sẽ thay đổi. Vớt phần bọt nổi lên trên để nước dùng được trong.
Tiếp đó, bạn hãy bổ đôi 1-2 quả mướp hương và cho vào nồi luộc cùng vịt. Luộc trong khoảng 5 phút thì tắt bếp. Đậy kín vung nồi và ủ vịt trong đó khoảng 20 phút. Như vậy, thịt vịt sẽ chín đều từ trong ra ngoài, không bị đỏ mà vẫn giữ được độ mềm ẩm.
Thịt vịt luộc chín thì vớt ra để nguội rồi mới chặt miếng vừa ăn. Phần nước có thể dùng để nấu canh, nấu miến tùy sở thích.